Gần đây khi thú trồng cây trở về, với chưa đầy 20m2 sân thượng nhưng tôi cũng trồng đủ loại và Thược Dược đã nằm trong danh sách có mặt tại khu vườn treo nhà tôi. Thế nhưng mãi mà tôi chưa một lần gặp được cây con để mua, tình cờ sau Tết Nhâm Thìn 2012, tôi có việc đi qua một cánh đồng hoa, dừng xe lại và hỏi mấy cô bán hoa cắt cành bên đường là ” chị có bán Cây Thược Dược không”. Một điều rất bất ngờ dành cho tôi là tôi chỉ phải trả 36K tiền Việt cho 5 cây Thược Dược cao khoảng 60 phân. Vui sướng ôm bó cây Thược Dược về nhà và chưa hề nghĩ ra sẽ trồng mấy em nó vào chỗ nào, vì tất cả các chậu gốm, hộp xốp đều đã kín cây. Cuối cùng thì tôi quyết định vứt bỏ cây Đậu Biếc tái sinh leo lét và mấy cây Vạn Lộc Trắng đi để lấy chỗ trồng. Sau một ngày thì các em đã héo xác xơ vì gió lạnh. Thế nhưng chỉ hai ngày sau, cây tươi tắn trở lại và những nụ cũ đã bung hoa.
Chúm chím nghiêng mình trong sương đêm
Và bung nở chỉ sau 1 ngày
Sau 1 tuần hạ chậu thì các em đã tươi tắn trở lại, hi vọng rằng sẽ thu hoạch được của cho mùa sau.
Vài nét cơ bản về Thược dược.
Thược dược có tên khoa học là Dahlia imperialis, được mệnh danh là quốc hoa của Mexico, thích hợp với khí hậu ấm.
Chôn củ
Đa số thược dược trồng bằng củ. Thông thường cây thược dược cần nắng chan hòa. Nhưng nơi nào quá nóng nực, phải che bớt nắng chiều. Lỗ trồng cần bón nhiều phân mục, phân hữu cơ. Đất sét nặng thì phải trộn thêm cát. Lỗ trồng sâu chừng 30cm. Đa số giống cách quãng 90 – 100cm : các giống cao cách nhau 120 – 150cm, các giống lùn cách nhau 30 – 60cm. Bón ¼ chén phân hóa học, nếu cần, vào đáy lỗ, rồi trộn thêm 10cm phần đất. Cắm cọc dài 150m vào lỗ. Đặt củ nằm ngang trong lỗ, mắt ngó về hướng cọc cách cọc 5cm. Phủ 7- 8cm đất trên củ. Tưới thường xuyên, nếu không mưa. Khi củ đâm chồi, lấp lỗ dần dần. Loài thược dược cao thì phải trồng bằng hột rồi cấy cây con vào lỗ.Thược dược lùn cũng trồng hột, rồi cấy cây con.
Đào củ, tồn trữ củ
Khi ngọn thân trở màu vàng nâu, thì cắt đi, cách gốc chừng 10cm trên mặt đất. Đào cụm củ cách gốc chừng 30cm, coi chừng đứt củ, rũ hết đất còn dính nhiều và phơi củ 2 – 3 giờ nắng. Sau đó áp dụng một trong hai phương pháp sau đây:
Chia cụm ngay. Các củ mới đào thường dễ cắt, và cũng dễ phân biệt mắt(mầm) lúc này. Nên rắc lưu huỳnh – Sulfur cho củ khỏi thối, chôn củ trong cát, mạt cưa hay vermiculite và tồn trữ nơi mát mẻ, khô ráo suốt mùa đông lạnh lẽo.
Không chia cụm. Phủ cụm đầy cát khô, mạc cưa, perlite hay vermiculite. Tồn trữ nơi khô ráo, mát lạnh nếu có mùa đông lạnh gắt. 2 – 4 tuần lễ trước khi hết lạnh, và trước khi đem trồng, cắt củ từ cụm bằng dao sắt. Chừa lại chừng 2 – 3cm thân ở một củ. Củ cần có mắt hay có mầm mới đâm chồi sau đó được. Đặt củ trong đất cát ẩm hầu khuyến khích củ nảy chồi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét